Slider

Nghệ sĩ Như Huỳnh làm Thầy bói Online và Ôsin thời 4.0

0

 


Mới đây nghệ sĩ cải lương Như Huỳnh đã chia sẻ rằng thời gian vừa qua cô đã tham gia 2 vở kịch nói ‘Chuyện Bốn Mùa’ của Đài truyền hình HTV. Đây là bước tiến để nữ nghệ sĩ cải lương thêm cơ hội thể hiện tài năng ở nghệ thuật kịch nói.

Như Huỳnh là một trong những gương mặt vàng trong làng giọng ca tân cổ cải lương thế hệ mới. Là cô đào sở hữu giọng ca ngọt lịm, tiếng hát của Như Huỳnh làm nhiều người mê kể cả những thế hệ khán giả khó tính trong việc lựa chọn tiếng hát cải lương.

Việc phát triển nhiều hơn ở lĩnh vực kịch nói là một trong những quyết định có phần hơi táo bạo của cô đào. Bởi nhiều người quen với hình ảnh Như Huỳnh dịu dàng trong những câu ca cải lương ngọt ngào. Liệu ở sân khấu kịch nói, nữ nghệ sĩ sẽ trổ tài diễn xuất như thế nào trên màn ảnh nhỏ?

“Tôi tin mỗi một khoảnh khắc ở cuộc đời mình đều là những cơ duyên thay đổi để Như Huỳnh thêm bức phá hơn trong việc hoạt động nghệ thuật. Khán giả cũng biết là Huỳnh mê cải lương, nên Huỳnh sẽ không thể nào xa rời được cải lương. Tuy nhiên, cũng vì cái tính luôn muốn học hỏi, trau dồi thêm về hoạt động nghệ thuật, nên Huỳnh không ngần ngại trong việc nâng cao kiến thức, học hỏi thêm về chuyên môn và kể cả việc tham gia ở các lĩnh vực mới hơn: diễn xuất, kịch nói… Huỳnh cũng xin gửi lời cảm ơn đến các cô chú, anh chị em trong Ekip chuyện bốn mùa, và nhất là anh Đạo diễn Hoàng Duẩn đã hỗ trợ, tạo điều kiện để Huỳnh thử sức ở lĩnh vực diễn xuất mới này.” – Như Huỳnh chia sẻ.

Việc trau dồi thêm ở lĩnh vực sân khấu kịch, Như Huỳnh đã đóng những vai diễn rất “nặng ký”. Cô bày tỏ tâm trạng khá hồi hộp.

Kể thêm về việc tham gia nhiều hơn ở lĩnh vực sân khấu kịch, nữ nghệ sĩ cho biết: “Khâu nào, Huỳnh cũng phải học, phải chuẩn bị. Huỳnh hơi kỹ tính nên đến cả chuyện chọn trang phục cho nhân vật, thì chính Huỳnh cũng thử sức tham gia chọn để xem mình chọn có hợp với vai diễn không. Mà lần này chọn trang phục diễn kịch còn khó hơn những lần đi hát tân cổ, cải lương. Bởi hai vai diễn lần này một vai là thầy bói, một vai là ôsin thời 4.0. Nên chọn sao cho phù hợp thì không hề đơn giản.

Về cách để Huỳnh tiếp nhận sự mới mẻ, cũng như là khán giả yêu mến tiếng hát của Huỳnh ở lĩnh vực kịch này có lẽ chính là sự nỗ lực mang đến hình ảnh mới mẻ của Như Huỳnh ‘Đa-Dzi-Năng’, tạo sức thu hút cho những sản phẩm. Trong tiểu phẩm ‘Làm mẹ trên mạng’ lần này, Huỳnh vào vai ôsin tên Thơm – người làm của gia đình. Và chị Thơm này dạy con nít bằng độc chiêu cho chơi trên mạng và sẵn sàng chiều theo con nít. Còn riêng tiểu phẩm ‘Xem bói Online (Thần y trên mạng)’ thì nữ nghệ sĩ vào hẳn vai bà thầy bói tuổi 40 lừa đảo bằng hình thức xem bói và chữa bệnh kì lạ.

Nghệ sĩ cải lương Như Huỳnh là một trong những cô đào trẻ tuổi và tài năng bước ra từ sân khấu cuộc thi Chuông vàng Vọng cổ năm 2008. Ngoài sự thăng hoa về nghề, cô còn nổi tiếng là người con có trách nhiệm với gia đình, trong giao tiếp với khán giả rất bình dị, chân thành, với đồng nghiệp thì luôn tôn trọng và lễ phép với các bậc cô bác, anh chị.

Cô tâm sự lần diễn này cũng có áp lực khi lần đầu thử sức ở sân khấu kịch bên các bậc thầy kì cựu là nghệ sĩ – diễn viên Bảo Trí, Phương Dung, Mai Dũng, Ngọc Lan, cùng nhiều bạn diễn có kinh nghiệm.

Chuyện bốn mùa được xem là sự nối tiếp của Trong nhà ngoài phố trước đây trên HTV, trình chiếu những kịch bản truyền hình đậm chất thời sự, đậm chất nhân sinh, nhân văn, góp phần tuyên truyền và cập nhật nhiều thông tin thời sự, để người dân, khán giả màn ảnh nhỏ có thể hiểu rõ hơn những vấn đề của xã hội hôm nay.

Sau các chương trình đã được khán giả đón nhận, giờ đây, chuyên mục “Chuyện bốn mùa” tiếp tục dàn dựng những vở kịch mang tính thời sự, những vấn đề mang tính nóng hổi, gần gũi với cuộc sống thường nhật.

Một Như Huỳnh với phong thái rất khác so với ở sân khấu giọng ca cải lương

Chương trình sẽ phát sóng trên kênh HTV7, với các vở lần này có sự tham gia của Như Huỳnh: Xem bói Online (Thần y trên mạng), Làm mẹ trên mạng…

Trong việc thay đổi phương thức tổ chức thực hiện, đạo diễn Hoàng Duẩn và ê kíp chú trọng tìm kiếm đề tài phản ánh thời sự, gắn kết với thực tiễn xã hội, các vở diễn trong “Chuyện bốn mùa” đã không chỉ phê phán các thói hư tật xấu, mà còn nêu gương người tốt việc tốt, mang lại những bài học ý nghĩa, gửi gắm nhiều thông điệp về cuộc sống.

Với cách thức dàn dựng các tác phẩm kịch hấp dẫn, gần gũi; hình thức thiết kế sân khấu đẹp, bắt mắt, chỉn chu, đã khiến cho “Chuyện bốn mùa” nâng cao được chất lượng, thu hút sự cộng tác của hơn 30 diễn viên kịch nói chuyên nghiệp, giỏi nghề.

Đạo diễn Hoàng Duẩn chia sẻ: “Theo định hướng của đài cũng như bản thân tôi khi bắt tay thực hiện “Chuyện bốn mùa”, rất mong muốn chương trình sẽ khẳng định lại được vị trí trên sóng truyền hình, có sự lan tỏa sâu rộng trong đời sống như với chương trình “Trong nhà ngoài phố”.

* Kịch dài hướng đến cuộc sống

Từng một thời là thương hiệu giữ chân khán giả yêu kịch nhưng rồi sân khấu truyền hình mất dần ưu thế vì chất lượng suy giảm. Để lấy lại vị thế trong mùa đại dịch này, kịch dài của HTV đã hướng đến mũi nhọn nâng cao tính văn học cho sân khấu truyền hình.

Để có nhiều kịch bản đạt chất lượng, đội ngũ biên tập của HTV đã đặt hàng, tham gia từ khâu kịch bản cho đến dàn dựng, cảnh trí và âm nhạc, bảo đảm đạt chuẩn khi lên sóng.

Hiện nay, khâu cảnh trí và kỹ xảo của kịch trên màn ảnh nhỏ đã được điều chỉnh. Các vở diễn mang đậm yếu tố thật và đẹp, có cả những cảnh quay ở phim trường ngoài trời đưa vào kịch truyền hình. Tuy nhiên, để thu hút khán giả không chuyển kênh trước vô số lựa chọn, các vở kịch vẫn phải có lực lượng diễn viên tên tuổi tham gia.

Đối với các nhà chuyên môn, khi có lực lượng làm nghề tốt, nguồn kịch bản hay và diễn viên giỏi thì không khó gì để kịch truyền hình tạo được uy tín qua những sản phẩm chất lượng, được khán giả xem đài yêu thích.

Tạo điều kiện để nghệ sĩ được cống hiến

Thời điểm trước khi dịch bệnh bùng phát, Ban Tổng Giám đốc Đài Truyền hình TP HCM đã chỉ thị việc đầu tư kịch bản, chọn lựa cách thể hiện với nhiều hình thức nhằm làm phong phú các chương trình phát sóng phục vụ người dân, trong đó lãnh vực sân khấu truyền hình phải được ưu tiên chọn vở diễn phản ảnh đúng thời sự của mùa dịch.

Đạo diễn NSND Trần Minh Ngọc cho rằng: “Kịch truyền hình HTV đã có bước chuẩn bị đáng khen. Vấn đề chính là tìm cho ra chìa khóa của ngôn ngữ kịch truyền hình. Một dạo có chủ trương cứ vác máy đến quay vở ngay tại sàn kịch rồi phát dần, không ổn chút nào vì ngôn ngữ truyền hình khác với ngôn ngữ sàn diễn. HTV phải luôn tạo mọi điều kiện để nghệ sĩ nhiều thế hệ, nhiều lĩnh vực được cống hiến cho nghề, không chỉ ở kịch mà hát bội, cải lương, đờn ca tài tử Nam Bộ, xiếc, ảo thuật, múa rối, múa dân gian, múa hiện đại…”.

Chú thích: Nguồn từ bài viết: Kịch truyền hình thời sàn diễn tạm tắt đèn – Nhà báo Thanh Hiệp/Báo Người Lao Động

Thực hiện: Gia Anh/Phong Cách Đời Sống
Make up: Hana Lê
Hình ảnh: Nhân vật cung cấp

Không có nhận xét nào

Đăng nhận xét

DON'T MISS

Nature, Health, Fitness
2021 © all rights reserved
Blog cá nhân của Nghệ sĩ Như Huỳnh | Thực hiện và Phát triển Website bởi Dương Kiều Diễm - KKD Việt Nam Từ nguồn templateszoo