Gọi là tái xuất bởi vở “Cánh chim trắng trong đêm” đã từng được Nhà hát Cao Văn Lầu dàn dựng và biểu diễn gây tiếng vang trên đất thủ đô Hà Nội cuối năm 2020. Còn đối với khán giả Bạc Liêu, đây là lần đầu tiên được thưởng thức trực tiếp tại Nhà hát và trên sóng truyền hình địa phương.
Vở cũng là sản phẩm của Đề án phát triển nghệ thuật sân khấu cải lương (CL) tỉnh Bạc Liêu giai đoạn 2021 - 2025 (gọi tắt là Đề án), do Sở VH-TT-TT&DL phối hợp với Đài PT-TH Bạc Liêu phát sóng trực tiếp tối 25/6.
Đại diện lãnh đạo UBND tỉnh, Sở VH-TT-TT&DL tặng hoa chúc mừng thành công của các nghệ sĩ sau khi chương trình kết thúc. Ảnh: C.T
Ca diễn xuất thần
Chuyển thể từ kịch bản nổi tiếng của Nguyễn Đăng Chương, đạo diễn Quốc Khánh đã khá liều lĩnh khi chọn vở này tham gia liên hoan Sân khấu thủ đô lần thứ IV - năm 2020. Vì đây là vở từng được đạo diễn Dzoãn Hoàng Giang dựng cho Nhà hát chèo Hà Nội biểu diễn gây tiếng vang nhiều năm liền. Tuy nhiên, với 2 Huy chương Vàng (nghệ sĩ Như Huỳnh, Khánh Hòa), 2 Huy chương Bạc (nghệ sĩ Hoàng Dững, Quốc Khánh) và Bằng khen của Ban tổ chức vì có thành tích xuất sắc trong xây dựng và sáng tạo nghệ thuật về đề tài Hà Nội, “Cánh chim trắng trong đêm” chứng tỏ ê-kíp Nhà hát Cao Văn Lầu đã không hề liều lĩnh! Tái diễn phục vụ khán giả Bạc Liêu và một số đài tiếp sóng (Hậu Giang, Sóc Trăng, Ninh Bình), vẫn lối ca diễn xuất thần của từng vai, cho thấy sức sống mới, đầy tự tin của thầy trò Nhà hát.
“Cánh chim trắng trong đêm” là một “lát cắt” về sự kiện giải phóng thủ đô gắn với câu chuyện tình của ba nhân vật chính: ca nương Duyên (nghệ sĩ Như Huỳnh), anh chiến sĩ cách mạng tên Quang (nghệ sĩ Hoàng Dững) và viên sĩ quan Pháp Mông-Đi (nghệ sĩ Khánh Hòa). Những huy chương tại liên hoan tái diễn đầy thuyết phục thu hút sự theo dõi của khán giả. Nhân vật Cỏn từng được Quốc Khánh thể hiện thành công đã “nhượng” lại cho nghệ sĩ Hải Đăng cũng không kém phần gian xảo mà duyên dáng, kể cả vai anh lính Pháp ít đất diễn vẫn được nghệ sĩ Vĩnh Sơn tạo những tràng cười giòn tan dưới sân khấu.
Tinh thần chiến đấu bảo vệ Tổ quốc, hình ảnh lá cờ tung bay phất phới giữa lòng thủ đô Hà Nội đã gây rung động con tim những khán giả thưởng thức khi nhớ về lịch sử oai hùng của dân tộc.
Một phân cảnh trong vở “Cánh chim trắng trong đêm”.
Sản phẩm của đề án
“Rất ít nơi còn có đoàn nghệ thuật biểu diễn thường xuyên như Bạc Liêu. Ngay cả Hà Nội, các nhà hát cũng đều đóng cửa. Vậy mà Bạc Liêu vẫn tổ chức biểu diễn tại Nhà hát Cao Văn Lầu phục vụ khán giả, và truyền hình trực tiếp một số tỉnh, đây là nỗ lực tuyệt vời cho thấy sự quan tâm gìn giữ một báu vật nghệ thuật Nam Bộ của Bạc Liêu” - một khán giả miền Bắc xem vở qua Đài PT-TH Ninh Bình chia sẻ.
“Cánh chim trắng trong đêm” là sản phẩm báo cáo kết quả Đề án (sau vở “Đêm lạnh chùa hoang” truyền hình trực tiếp tháng 11/2021). Cuốn hút ngày càng đông khán giả mỗi cuối tuần cho thấy CL vẫn còn được yêu thích nếu những suất diễn chất lượng được duy trì. Đây chính là tín hiệu khả quan cho một trong nhiều mục tiêu của Đề án: “Duy trì và nâng cao chất lượng biểu diễn phục vụ Nhân dân hằng tuần tại Nhà hát Cao Văn Lầu”. Tuy nhiên, nếu đúng theo Đề án nêu: “Phối hợp đài truyền hình trong khu vực và cả nước tiếp sóng chương trình CL mỗi quý một lần” thì có vẻ chưa đạt yêu cầu! Hiện tại, chỉ mới có các Đài PT-TH Sóc Trăng, Hậu Giang và Ninh Bình tiếp sóng. Điều này đặt ra yêu cầu cần có sự liên kết, phối hợp chặt chẽ hơn nữa để CL Bạc Liêu có điều kiện phủ sóng rộng hơn. Kể cả tần suất mỗi quý chỉ một vở cũng là khá ít so với tiềm năng của Nhà hát hiện nay.
Đề án cũng đề cập sẽ “mở rộng 1 tháng 1 vở được trực tiếp trên sóng truyền hình các tỉnh, thành phố trong khu vực khi đủ điều kiện”. Để “đủ điều kiện”, có lẽ bên cạnh kinh phí Nhà nước phải xã hội hóa để có nguồn thu cho hoạt động bảo tồn, phát triển sân khấu CL. Bên cạnh đó là thắt chặt liên kết giữa các tỉnh, thành để “phủ sóng” cho sân khấu CL Nam Bộ. Có như thế, tương lai CL sẽ khác!
NHẬT QUỲNH/BÁO BẠC LIÊU